Home Chuyên đề Bê bối thi cử ở Hà Giang, Sơn La (Kỳ 1): ‘Ông Bèn’ thực sự đã bay về trời, còn ngành giáo dục biết bay về đâu?

Bê bối thi cử ở Hà Giang, Sơn La (Kỳ 1): ‘Ông Bèn’ thực sự đã bay về trời, còn ngành giáo dục biết bay về đâu?

0
1,055

Gần đây dư luận cả nước xôn xao về việc gian lận điểm số thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, nhưng “vụ Hà Giang” còn chưa kịp nguội lại đến Sơn La… cứ mở rộng điều tra ra nữa thì vấn đề không biết sẽ còn đi đến đâu? Dân gian cũng chỉ đành lòng mà than thở: “Có những nỗi buồn không chỉ ở Hà Giang!”. Vậy đâu là nguyên nhân của ‘những nỗi buồn’ này?

Từ một nền giáo dục đang chạy theo thành tích…

Sửa điểm thi liên hệ bối cảnh hài sau

Xin hãy cùng nghe và xem một hoạt cảnh sau:

Tổ trưởng Chuyên môn:

-Tr… ơi vào điểm đi em, từ đầu năm đến giờ còn chưa có con điểm nào trong sổ Gọi tên và ghi điểm kìa!

Giáo viên:

– Ôi em bận lắm, để sau đi!

Tổ trưởng Chuyên môn:

– Không được đâu, cuối tuần này Ban giám hiệu kiểm tra rồi.

Giáo viên:

– Vậy chị vào luôn hộ em cái!

Tổ trưởng Chuyên môn:

– Sổ điểm cá nhân của em đâu, đưa chị vào cho.

Giáo viên:

– Ối giời, cứ điền vào, đủ là được!

“Ai nhanh tay ‘cấy’ bằng tay em!”… biểu hiện của một nền giáo dục “Giả” với những con điểm biến không thành có (Ảnh: giaoduc.net )

Vậy là Tổ trưởng Chuyên môn thoăn thoắt vào điểm, những con điểm biến không thành có. Đúng là mọi việc diễn ra chỉ trong phút mốt! Phía bên bàn đối diện, cô giáo viên dạy bộ môn Vật Lý cũng vừa vào điểm vừa mỉm cười, hát:

“Ai nhanh tay ‘cấy’ bằng tay em!”…

Thi cử và điểm là trò đùa

Chuyện cứ như đùa ấy, nhưng mà có thật, hơn nữa nó còn diễn ra khá phổ biến ở ‘nơi nơi chốn chốn’ khi mà cấp trên giao chỉ tiêu chất lượng hai mặt giáo dục về các trường luôn luôn cứ phải là: “Năm sau cao hơn năm trước”.

Cái vấn nạn giáo dục chạy theo chỉ tiêu “Năm sau cao hơn năm trước” ấy nó không chỉ tạo ra áp lực cho cả người dạy, người học và các bậc phụ huynh, mà còn dẫn đến hậu quả tất yếu đó là: chất lượng giả, điểm số giả, thành tích giả, bằng cấp giả… thử hỏi cứ ‘sau’ phải cao hơn ‘trước’ như thế, cao mãi rồi sẽ đến đâu? Làm sao mà cứ cao mãi cho được khi mà đời sống người dân và mặt bằng dân trí xã hội còn quá thấp không thể đáp ứng và bắt kịp nổi với chỉ tiêu của ngành Giáo dục?

Đặc biệt là ở những tỉnh thành miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi ấy lũ trẻ đến trường còn ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm. Đâu đó rất nhiều nơi vẫn còn cái cảnh lần lượt cả cô và trò phải xếp hàng đu dây cáp hoặc chui trong túi li-non đến ngộp thở mà qua sông, qua suối đến trường!

Không nói những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người mà những nơi có điều kiện thuận lợi, mặt bằng dân trí phát triển cũng không thể bắt kịp cái đà tốc hành “Năm sau cao hơn năm trước” ấy. Bởi muốn nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thực sự, người ta phải có một bước tiến ổn định, vững chắc và hết sức thực tại liên quan đến một nền tảng tổng thể rộng lớn: Nó đòi hỏi sự đề cao đồng bộ về đạo đức, văn hóa, mức sống, thu nhập của người dân, cơ sở hạ tầng đầu tư cho giáo dục…

Bữa trưa với mỳ gói trộn cơm trắng, học sinh ở những vùng khó khăn vẫn đang ăn đói mặc rét từng ngày nhưng thành tích giáo dục thì năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước, bát cơm có thể vơi nhưng thành tích không vơi được.  (Ảnh: khayinox)

Đến câu chuyện “Ông Bèn”… như một hậu quả tất yếu của ngành Giáo dục

Chuyện kể rằng trong giờ học môn Ngữ Văn nọ, cô giáo hỏi học sinh:

– Các con hãy cho cô biết trong truyện cổ dân gian Việt Nam, ai là người đánh tan giặc Ân rồi cưỡi ngựa sắt bay lên trời?

Cả lớp không học sinh nào giơ tay phát biểu. Cô bèn mời một em ngồi ngay bàn đầu đứng dậy trả lời. Cậu học sinh đứng lên, nói với giọng lí nhí:

– Dạ, thưa cô em không biết ạ.

Cô giáo bảo:

– Trời ạ, câu hỏi dễ thế mà cũng không trả lời được, hết giờ học về hỏi ngay bố mẹ!

Vậy là cuối buổi học hôm ấy, cậu học sinh nọ cầm cuốn sách Ngữ Văn lên thẳng phòng ông Hiệu trưởng, nói:

– Bố ơi! Bố cho con biết ai là người người đánh tan giặc Ân rồi cưỡi ngựa sắt bay lên trời?

Ông bố cầm cuốn sách cậu con trai vừa đưa, giở lướt qua rồi xoa đầu con, bảo:

– Cu Bin của bố lười học quá, có vậy thôi mà cũng không biết. Người đánh tan giặc Ân và cưỡi ngựa sắt bay lên trời là… Ông Bèn. Này nhé, trong sách có đoạn ghi rất rõ:

…“Sau khi đánh tan giặc Ân, ông bèn cưỡi ngựa đến chân núi Sóc, cởi áo giáp sắt rồi cả người và ngựa từ từ bay lên trời”.

Thánh Gióng mà có sống lại chắc cũng rất bất ngờ về cái tên mới: “Ông Bèn!”  Một nền giáo dục ở hạ giới đang nóng từng giờ, sau Hà Giang và Sơn La hỏi còn bao nhiêu vụ bê bối giáo dục nữa? (Ảnh: suoitien)

Thi cử, giáo dục, chuyện vui đáng buồn

Chỉ là câu chuyện vui, câu chuyện vui vậy thôi! Nhưng ở đây nói lên một thực trạng về cái bệnh giáo dục chạy theo thành tích. Một nền giáo dục mà chất lượng không thực chất. Nó bị kìm hãm, nhào nặn và ‘phù phép’ bởi rất rất nhiều các công văn, chỉ thị, chỉ tiêu, kế hoạch, thông tư, báo cáo… để rồi cuối cùng cho ra một kết quả “trên trời” mà người ta thường hay công bố sau mỗi kỳ thi mang tính toàn quốc là: “Nghiêm túc, an toàn” và đương nhiên không thể thiếu nội dung: “Chất lượng ABC tốt nghiệp năm nay; điểm thi XYZ năm nay… là cao hơn năm trước”.

Vậy nên cái cách giáo dục kiểu: “Câu chuyện Ông Bèn” ấy sẽ đào tạo nên những sản phẩm – con người có vốn tri thức và cung cách làm việc cũng xứng tầm như vậy. Sau câu trả lời của ông bố – Hiệu trưởng nọ với cậu con trai, không biết sẽ còn có bao nhiêu những vị đang nắm giữ trọng trách quan trọng trong xã hội sẽ đưa ra câu trả lời kiểu “Ông Bèn” như thế, mà cách trả lời phỏng vấn trước giới báo chí và nhân dân của một vị lãnh đạo tại tỉnh Hà Giang liên quan đến vụ việc lùm xùm trong thi cử vừa rồi là một ví dụ!

Trải qua mấy nghìn năm, dẫu sao thì nhân vật huyền thoại thực sự được nhắc tới trong “Câu chuyện Ông Bèn” kể trên cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, cưỡi ngựa sắt mà bay lên trời rồi – truyền thuyết dân gian xác thực là như vậy. Còn ngành giáo dục ở Việt Nam sẽ bay về đâu nếu cứ mỗi năm “thành tích” và “chất lượng” lại lên cao, lên cao mãi theo kiểu đáng sợ như thế này? Câu trả lời xin được nhường lại cho các nhà lãnh đạo.

Đứng từ góc độ công luận, người dân và các bậc phụ huynh, chắc chắn ai ai cũng đều mong muốn ngành giáo dục sẽ sớm tìm lại được cho mình sự Chân chính, Chân thực và tôn nghiêm. Bởi chỉ khi có được những giá trị này, giáo dục nước nhà mới không còn xuất hiện những biểu hiện giả dối, gian lận và tiêu cực.

Load More Related Articles
Load More By yondaime
Load More In Chuyên đề

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Check Also

Hoa Ưu Đàm vén mở thiên cơ về loài hoa quý

Hoa ưu đàm được nhắc đến qua các kinh điểm Phật giáo, là loài hoa quý hiếm 3000 năm mới nở…